Trà xanh từ lâu đã là thức uống của nhiều quốc gia trên thế giới, mỗi nước có những loại trà và văn hóa uống trà riêng. Việt Nam là nước nhiệt đới, điều kiện thích hợp để trồng nhiều loại lá chè, để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dùng. Sau đây là một số loại trà ngon ở Việt Nam được nhiều người yêu thích.
Contents
Các loại trà Việt Nam có những loại điển hình sau đây:
1. Trà sen Tây Hồ
Trà sen Tây Hồ từ lâu đã nức tiếng gần xa, đây cũng là loại trà có mức giá khá cao. Thứ trà ướp hương thuần khiết thanh nhã khiến người thưởng thức mê mẩn. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi giữa ngôi nhà lá giữa mùa sen hồ Tây nhấp một ngụm trà nhỏ, hương sen thơm dịu tan trong miệng, cảm giác thoải mái, an nhàn đến lạ kỳ. Để có được một ấm trà thơm ngon, người pha trà cũng phải rất tinh tế, tỉ mỉ, khéo léo, thế mới nói pha trà là cả một nghệ thuật đỉnh cao.
Trà Sen Tây Hồ có cánh trà nhỏ, hương thơm ngọt của hoa sen tự nhiên, tiền vị chát dịu, hậu vị ngọt rất đượm đà và lưu lại trong cổ họng rất lâu, tạo cho bạn cảm giác đê mê khi uống.
2. Bạch Trà Mai Khôi
Được mệnh danh là “chúa tể của các loại trà”, Bạch Trà Cổ Thụ là tuyệt phẩm không thể bỏ qua. Từ thời nhà Tống, Bạch Trà đã là một dòng trà Dương Tiến, chỉ dành cho các bậc vua chúa. Bạch Trà được sủng bái không chỉ vì hương thơm ngọt lành lan sâu vào các giác quan và màu nước trong vắt như sương sớm. Mà còn bởi người xưa đã sớm nhận thức được công dụng sức khoẻ đáng ngạc nhiên của loại trà này: giúp lưu thông tuần hoàn máu, giảm mỡ máu, hỗ trợ hệ thống tim mạch, kích thích sự hưng phấn. Đặc biệt Bạch trà có hàm lượng chất chống oxy hoá cao, giúp loại bỏ các gốc tự do có hại, nhờ đó ngăn ngừa một số bệnh ung thư.
3. Trà Tân Cương
Trà Tân Cương nổi tiếng với vùng đất gang thép Thái Nguyên, màu xanh đen, xuăn chặt, cánh chè gọn nhỏ, trên bề mặt cánh chè có nhiều phấn trắng là những đặc điểm dễ nhận thấy ở vẻ ngoài của loại trà này. Câu nói nổi tiếng từ ngày xưa để lại “chè Thái, gái Tuyên” quả không sai chút nào, khi ta nhấp một ngụm trà cảm thấy dễ chịu, hài hòa, có hậu, vị ngọt chát nhưng gần như cảm nhận không có vị đắng.
Trà Tân Cương có giá trung bình không quá cao như các loại trà hảo hạng khác nhưng vẫn được rất nhiều người yêu thích bởi hương thơm đặc trưng của nó. Điều đặc biệt là mùi thơm của chè được tạo ra từ quá trình tỉ mỉ sao trà, sinh nhiệt mà có.
4. Trà cổ thụ Tây Bắc
Tây Bắc có khí hậu mát mẻ, cây trà tươi tốt mà không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Trà ở đây nổi tiếng với loại trà Shan tuyết cổ thụ, thân cây trà có đốm trắng như bị mốc hay giống hình bông tuyết màu trắng. Trên đỉnh cao 1.400-1.500m so với mực nước biển là những đồi chè quanh năm sương mù bao phủ. Lượng trà này rất ít, từ công đoạn thu hái cũng đã rất vất vả, để làm được những cánh trà Tây Bắc khô đúng “chất” thì người sao phải cực kì tỉ mỉ, biết cảm nhận độ “chín”, cách điều chỉnh lửa khi sao.
5. Chè vằng
Cây lá vằng là loại cây mọc hoang thành từng bụi nhỏ, được người dân dùng để sắc hoặc pha nước uống. Điều lưu ý là cần lựa thật kỹ loại lá này vì có thể nhầm lẫn với lá ngón, loại cây có chất cực độc bảng A. Cây lá vằng cứng, từng đốt dài hàng chục mét, vỏ thân nhẵn màu xanh lục, lá có hình mác, phía cuống tròn, mũi lá nhọn, Hoa trà vằng màu trắng với mười cánh. Loại cây này được dùng tốt nhất với sản phụ sau sinh, giúp sữa về nhiều hơn, có tác dụng lấy lại vóc dáng nhanh chóng.
Cây chè vằng là một trong số những thảo dược thiên nhiên có nhiều tác dụng trong điều trị các bệnh như: cao huyết áp, mất ngủ, khó tiêu, kinh nguyệt không đều, đau gan… Nhưng việc sử dụng cần phải đúng cách để hạn chế nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
6. Trà đen
Trà đen được sử dụng rộng rãi ở các nước Châu Âu, Trung Phi và Trung Đông như một thức uống hàng ngày không thể thiếu được. Ở một số nơi người ta còn gọi là hồng trà, vì màu nước đặc trưng của nó. Trà đen có tác dụng giảm cân, giảm cholesterol trong máu, kích thích tiêu hóa, tăng cường năng lượng, tăng cường hệ thống miễn dịch… Trà đen có thể được lưu trữ trong nhiều năm mà không bị mất hương vị của nó, được nhiều người ưa thích sử dụng vì vị dễ uống, chứa rất ít caffeine.
Hiện nay người ta còn mix trà đen với một số loại thảo mộc khác như táo đỏ, nho đen, dưa leo cam, bạc hà cacao để tăng thêm hương vị cũng như tác dụng của trà đối với việc thanh lọc cơ thể, loại bỏ độc tố, giúp đẹp da, giữ dáng.
7. Trà Ô Long
Đây là một loại trà đã khá phổ biến ở Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ từ loại trà truyền thống Trung Quốc. Với hương thơm ngọt, vị trà thanh thanh chứ không chát đượm như những loại trà xanh khác, loại trà này được mọi đối tượng ưa thích. Loại trà này có chất chống oxy hóa cao, giúp giảm nguy cơ các bệnh về tim mạch, các bệnh đột quỵ. Những người uống từ 10 chén trà/ngày hoặc nhiều hơn sẽ có bộ xương chắc khỏe hơn những người không uống trà Ô Long. Và một tác dụng đáng lưu ý nữa là nó có khả năng làm “đẹp” nụ cười, giúp răng không bị sâu, sáng khỏe.
8. Trà Thiết Quan Âm
Trà Thiết Quan Âm là loại trà được bán lên men, giữa trà xanh với trà hồng. Lá trà sau khi được chế biến có các đặc trưng như sau: sợi cong xoắn, kết tròn đầy đặn, nặng chắc đều nhau, màu xanh lục trạch sa, hình thể tựa như cái đầu con chuồn chuồn, như loa ốc, có mùi hoa lan. Nước trà màu vàng tươi đậm, đẹp tựa hổ phách, có mùi thơm tự nhiên ngào ngạt, vị trà đậm đà dịu ngọt, hậu vị.
Loại trà này rất dễ pha, nên dùng nước đang sôi rót vào ấm, như vậy hương trà mới thoát ra hết. Trà khi pha sẽ tỏa ra mùi thơm như hoa lan, còn có cả mùi hạt dẻ nhè nhẹ. Đây chính là đặc điểm khác biệt lớn nhất giữa Trà Thiết Quan Âm và trà Ô Long.
9. Trà lài
Trà lài hay còn gọi là trà hoa nhài, lá chè tươi ngon được ướp cùng những bông hoa trắng, nhỏ xinh có mùi thơm rất đặc trưng. Trà lài có chứa một lượng cao dầu etheric, có tác dụng tăng cường năng lượng, cải thiện tiêu hóa, bổ trợ trong việc loại bỏ độc tố và giúp giảm cân. Chúng cũng giúp đẩy mạnh quá trình trao đổi chất, cải thiện lưu thông máu. Lá trà thường được lấy vào mùa xuân, để đảm bảo độ tươi non, tinh khiết nhất, hương vị của trà lài ngọt tinh tế, mùi hương nhẹ nhàng như mùi thiếu nữ nên rất được giới thưởng thức ưa chuộng.
10. Trà nõn tôm
Cái tên Trà nõn tôm nghe thật thú vị, gây tò mò cho người thưởng thức, loại trà này được trồng và chế biến ở Tân Cương, Thái Nguyên. Người hái phải lựa chọn hết sức tỉ mỉ theo quy cách 1 tôm 1 lá trên các đồi chè ngon nhất, sạch nhất. Sau đó, trải qua quá trình chế biến khéo léo bằng phương pháp thủ công bởi các nghệ nhân sao chè thực thụ của Tân Cương. Điều đặc biệt của loại trà này khi pha nước có màu xanh vàng và sánh lại như mật ong, chỉ cần nhấp một ngụm đầu tiên đã cảm nhận được hương vị thơm ngon lan tỏa, vị chát dìu dịu mà đượm đà, thơm nức hương vị cốm non.
Có thể bạn là một người sành về trà và cách pha trà nhưng chưa chắc bạn đã biết hết các loại trà Việt Nam chúng ta trên đây.
Trên đây là một số loại trà được dùng phổ biến và được yêu thích ở Việt Nam. Nếu bạn là người đam mê, muốn thưởng thức văn hóa trà đạo nên một lần uống qua những loại trà ngon này.